CHUYÊN ĐỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP TẠO HỨNG THÚ HỌC MÔN NGỮ VĂN 9 CHO HỌC SINH THÔNG QUA HOẠT ĐỘNG KHỞI ĐỘNG (MỞ ĐẦU)

Ngày đăng: Lượt xem:

CHUYÊN ĐỀ môn Văn

CHUYÊN ĐỀ

MỘT SỐ BIỆN PHÁP TẠO HỨNG THÚ HỌC MÔN NGỮ VĂN 9
CHO HỌC SINH THÔNG QUA HOẠT ĐỘNG KHỞI ĐỘNG (MỞ ĐẦU)

Sinh hoạt trong tổ chuyên môn

————–

  1. Lí do chọn đề tài.

Hiện nay việc đổi mới phương pháp dạy học đối với các môn học nói chung và trong môn Ngữ văn nói riêng đang được tiến hành rộng khắp trong toàn ngành Giáo dục trên cả nước. Vai trò, mối quan hệ giữa người dạy và người học đã có sự thay đổi. Sự chủ động, tích cực của học sinh trong giờ học được đề cao, giáo viên đóng vai trò là người dẫn dắt, hướng dẫn chứ không còn đóng vai trò truyền thụ một chiều như trong cách dạy học truyền thống. Chính vì thế việc giảng dạy Ngữ văn theo phương pháp đổi mới trong nhà trường trung học cơ sở đang là một thử thách lớn đối với mỗi giáo viên. Dạy như thế nào cho hay, cho hiệu quả nhằm tạo sự hứng thú và phát huy năng lực học sinh trong quá trình học tập là cả một vấn đề lớn đòi hỏi người giáo viên phải quan tâm. Với vai trò tổ chức, hướng dẫn và điều khiển quá trình học tập của học sinh hơn ai hết việc tìm ra nhiều biện pháp để phát huy cao nhất tính tích cực, sáng tạo của người học, tạo niềm hứng thú say mê học tập ở các em chính là nhiệm vụ quan trọng được đặt ra với mỗi người giáo viên đứng lớp. Xuất phát từ những vấn đề trên, với mong muốn góp phần vào việc tạo thêm hứng thú cho người học, giúp học sinh tích cực, chủ động tiếp nhận tri thức và hình thành kĩ năng, phát triển nhân cách đồng thời góp phần đổi mới phương pháp, cách thức tổ chức giờ dạy học môn Ngữ văn tôi xin đưa ra chuyên đề “ Một số kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động khởi động ở môn Ngữ văn 9” để triển khai trong tổ chuyên môn.

II: Phần giải quyết vấn đề.

1 Thực trạng của vấn đề:

Qua thực tế nhiều năm giảng dạy và qua kết quả khảo sát cụ thể trong năm học 2024-2025 cho thấy các em học sinh ngày càng chán nản, không hứng thú và không yêu thích môn văn dẫn tới kết quả học tập môn Ngữ văn rất thấp.

1.1 Về phía giáo viên.

Thực tế ngành giáo dục đã tiến hành đổi mới qua nhiều năm nhưng trong quá trình thực hiện nhiều giáo viên còn lúng túng, ngại đổi mới, chưa tích cực áp dụng phương pháp dạy học tích cực, vẫn giữ thói quen dạy học theo kiểu truyền thụ kiến thức một chiều,giáo viên chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của hoạt động khởi động, nội dung khởi động thường mang tính chất giới thiệu đơn giản,định hướng đơn giản,chưa tạo ra được vấn đề và sự hứng thú cho người học.chưa tạo ra được cái đã biết, cái chưa biết và cái muốn biết.Chưa đa dạng hóa các hoạt động khởi động.

Một số giáo viên đã có đầu tư song chưa đều tay giữa các tiết.

Qua thực trạng trên tôi thấy nếu không có sự tìm tòi, đổi mới của giáo viên sẽ dẫn tới học sinh ngày càng chán ghét và không có sự đầu tư chính đáng cho môn văn, dẫn tới kết quả học tập không cao.Chính vì vậy, chuyên đề này tôi manh dạn chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân qua hoạt động khởi động ở môn Ngữ văn 9 nhằm cải thiện thực trạng trên.

1.2 Về phía học sinh.

Thực tế vẫn còn một bộ phận học sinh lực học yếu, nhiều em còn ngại học văn, học qua loa đối phó, kiến thức bài cũ nắm không chắc, chán nản, xem nhẹ môn học, nhiều em thiếu tự giác trong học tập nên chất lượng môn học chưa cao.

Có những giờ Ngữ văn, bản thân tôi vào lớp phải ổn định nề nếp đến 5 phút vì học sinh đông, các em còn mải mê với câu chuyện còn dang dở trong giờ ra chơi hoặc chuyển tiết, nhiều em học sinh đã có tư thế ngồi học mệt mỏi, uể oải và tâm thế học không tích cực.

Thực trạng này đặt ra vấn đề là làm thế nào để các tiết dạy học văn bản sinh động, hấp dẫn, học sinh thực sự có hứng thú và tích cực trong học tập ngay từ lúc bước vào đầu giờ học. Đó là vấn đề mà thầy cô giáo nào cũng muốn thực hiện thành công thông qua hoạt động khởi động. Để học sinh thu hút và tập trung học ngay từ đầu tiết học thì giáo viên cần tổ chức hoạt động khởi động hấp dẫn, thú vị, phải tạo ra được những tình huống có vấn đề để cuốn hút học sinh khám phá.

Từ đó, tôi nhận thấy việc nghiên cứu và đưa ra giải pháp để xây dựng hoạt động khởi động hấp dẫn, hiệu quả đối với giờ dạy Ngữ văn là rất quan trọng. Đó là những lí do để tôi chọn chuyên đề triển khai trong tổ chuyên môn: “Một kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động khởi động ở môn Ngữ văn 9” với mong muốn được góp phần nhỏ bé vào quá trình tổ chức hoạt động khởi động ở trường Trung học cơ sở hiện nay.

1.3. Về phía nhà trường.

Môn Ngữ văn trong nhà trường THCS phương tiện, tài liệu, học liệu phục vụ cho việc giảng dạy môn Văn rất hạn chế. Khi giảng dạy hoặc muốn tổ chức những hoạt động ngoại khóa, mua đồ dùng, dụng cụ phục vụ môn học, tiết dạy mất rất nhiều thời gian, công sức nên giáo viên ngại làm. Hơn nữa để tổ chức được các hoạt động đó nhiều khi giáo viên phải bỏ tiền túi của mình ra nên đó chính là một trong những rào cản khiến giáo viên chưa thật sự chuyên tâm, hứng thú vào việc đầu tư tổ chức các hoạt động dạy học tích cực cho học sinh.

  1. Những biện pháp cụ thể.
  2. Biện pháp thứ nhất: Khởi động video và tranh ảnh.

Hình ảnh sử dụng để khởi động bài học có thể là tranh ảnh hoặc video tư liệu. Sử dụng tranh ảnh, video để dẫn vào bài là phương pháp dạy học khá phổ biến ở nhiều môn học. Giáo viên có thể vào bài bằng cách cho học sinh quan sát tranh ảnh hoặc xem một đoạn phim tư liệu có liên quan đến nội dung bài học. Câu hỏi có thể được đặt ra trước hoặc sau khi học sinh quan sát hình ảnh. Các câu hỏi thường là: Các em hãy xem đoạn video sau và nêu cảm nhận về nội dung của đoạn phim? Hoặc Những hình ảnh sau gợi cho các em suy nghĩ gì về…? Tuy nhiên, giáo viên cũng có thể vừa cho học sinh quan sát tranh vừa tạo tình huống yêu cầu học sinh phải giải quyết.

* Cách tiến hành:

– Bước 1: Giáo viên lựa chọn tranh ảnh, video phù hợp.

– Bước 2: Giáo viên dẫn dắt để chiếu tranh ảnh, video, yêu cầu học sinh chú ý theo dõi và chuẩn bị trả lời một số câu hỏi mà giáo viên định hướng sẽ hỏi trước khi HS xem video hay quan sát tranh ảnh.

– Bước 3: Giáo viên nêu câu hỏi để học sinh khai thác tranh ảnh, video sau khi HS xem xong.

– Bước 4: Từ tranh ảnh, video giáo viên cho HS liên hệ, khai thác ý nghĩa của video hay ảnh, từ đó dẫn dắt vào bài mới.

* Lưu ý khi sử dụng tranh ảnh, video:

– Giáo viên cần lựa chọn tranh ảnh, video phù hợp với nội dung bài học và có hình ảnh và âm thanh rõ nét, có nguồn gốc rõ ràng, chính thống, có tính thời sự.

– Tránh lặp lại tranh ảnh, video đã khai thác ở bài học trước đó rồi sẽ gây nhàm chán cho học sinh.

– Do thời gian của hoạt động khởi động không nhiều, sử dụng tranh ảnh không nên quá nhiều hay vi deo quá dài dễ gây phân tán cho học sinh.

*Ví dụ: Dạy văn bản: “Dế chọi” (Bài 1: Văn bản 2 Ngữ văn 9), hoạt động khởi động giáo viên cho học sinh xem tranh ảnh

 

  • Giáo cho HS quan sát tranh sau đó đặt câu hỏi

+ Tuổi thơ em đã chơi hoặc thấy trò chơi này chưa, trò chơi này tên gọi là gì, cách chơi như thế nào?

HS trả lời theo hiểu biết của mình.

* Lời dẫn vào bài

Tuổi thơ chúng ta có rất nhiều trò chơi, mỗi trò chơi mang lại cho chúng ta nhiều kỉ niệm, nhiều ý nghĩa, tuy nhiên nếu chúng ta không tìm hiểu kĩ về ý nghĩa của nó thì dẫn đến tác hại không mong muốn trong cuộc sống của chúng ta. Để chứng minh điều đó hôm nay lớp của chúng ta sẽ khám phá văn bản một ông vua đứng đầu của một đất nước mà mê trò chơi “ Dế chọi” thì có lợi ích và tác hại gì.

*Ví dụ: Dạy văn bản: “Sơn tinh- Thủy tinh” (Bài 1: Văn bản 3 Ngữ văn 9), hoạt động khởi động giáo viên cho học sinh xem video về đoạn phim về tín ngưỡng sùng bái tự nhiên của người Việt và hỏi.

Cân hỏi: Em biết những vị thần nào trong tín ngưỡng sùng bái tự nhiên của người Việt? Những vị thần đó tượng trưng cho điều gì? Hãy giới thiệu ngắn gọn về 1 nhân vật và nêu cảm nhận (suy nghĩ) của em về tín ngưỡng dân gian thờ các vị thần tự nhiên.

HS trình bày suy nghĩ của mình.

GV vào bài: Người Việt xưa kia sống phụ thuộc vào tự nhiên nên họ có sự sùng bái với tự nhiên, nhân cách hóa mọi hiện tượng thành những vị thần với sức mạnh vô song, kì ảo. Cũng bởi thế, hình ảnh của các vị thần đi vào những câu chuyện truyền thuyết vô cùng đẹp đẽ, to lớn; Sơn Tinh – Tản Viên Sơn Thánh chính là một nhân vật như thế. Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp đã dựa trên câu chuyện truyền thuyết về Sơn Tinh –  Thủy Tinh để xây dựng nhân vật Sơn Tinh vừa lạ vừa quen trong bài thơ “Sơn Tinh – Thủy Tinh”.

  1. Biện pháp 2: Khởi động thông qua âm nhạc

Lắng nghe một bản nhạc hay một bài hát là hình thức khởi động nhẹ nhàng, thường phù hợp với những giờ dạy tác phẩm văn học. Việc để các em lắng nghe những giai điệu âm nhạc dù trữ tình hay sôi động sẽ là cách thú vị để các em giảm căng thẳng, có được những rung động thẩm mỹ để vào bài mới thật thích hợp.

*Ví dụ: Dạy văn bản: “Ngày xưa” (Bài 4 văn bản 3 Ngữ văn 9), hoạt động khởi động giáo viên cho học sinh xem video về lời người bà ru cháu bằng thơ Truyện Kiều và hỏi.

  1. Video có nội dung gì? Nó được sử dụng vào mục đích gì?
  2. Sau khi nghe video em có cảm xúc gì?

Giáo viên: Vẻ đẹp văn chương chúng ta đã tiếp xúc với những văn bản nghị luận phân tích, bình luận về giá trị nổi bật của một tác phẩm văn học. Đến với “Ngày xưa”, Vũ Cao đưa ta đến con đường khám phá hoàn toàn mới mẻ – đó là thông qua một sáng tác nghệ thuật mang tính hình tượng về Truyện Kiều. Để hiểu rõ vẻ đẹp Truyện Kiều và tấm lòng của Vũ Cao chúng ta cùng đi vào khám phá nội dung văn bản.

  1. Biện pháp thứ 3. Tổ chức trò chơi.

Ngoài sử dụng tranh ảnh, vi deo giáo viên cho học sinh chơi trò chơi cũng là biện pháp hiệu quả để tạo cho hoạt động khởi động hấp dẫn, thú vị, đạt hiệu quả cao.

Có rất nhiều trò chơi giáo viên có thể sử dụng để tổ chức hoạt động khởi động như: Ai nhanh hơn, Hoa điểm mười, Hộp quà bí mật, Lật mảnh ghép, tiếp sức, truyền hộp quà, Nhìn tranh đoán tên tác phẩm…

* Cách tiến hành:

– Bước 1: Giáo viên lựa chọn trò chơi.

– Bước 2: Giáo viên nêu luật chơi và quy định rõ thời gian chơi trò chơi.

– Bước 3: Giáo viên tổ chức cho học sinh chơi trò chơi, HS tham gia.

– Bước 4: Giáo viên tổng kết trò chơi, tuyên dương, khen thưởng học sinh, đội chiến thắng (nếu có).

– Bước 5: Qua trò chơi, giáo viên liên hệ, dẫn dắt vào bài mới.

* Lưu ý khi sử dụng trò chơi:

– Giáo viên cần lựa chọn trò chơi, thời gian chơi phù hợp với bài học.

– Giáo viên cần có kĩ năng tổ chức trò chơi thành thạo: quy định rõ luật chơi, thời gian chơi, số lượng và thay đổi học sinh để tất cả các em đều được tham gia chơi.

– Giáo viên luôn theo dõi sát học sinh khi tham gia trò chơi để tránh gian lận, đánh giá, nhận xét, tuyên dương, khích lệ học sinh kịp thời, công bằng, chính xác.

*Ví dụ khi dạy bài Thực hành Tiếng Việt – Chữ Quốc ngữ, ( Bài 3-văn 9 ) thể chơi tìm chữ La Tinh cái ghép thành chữ Tiếng Việt.

+ Chia lớp thành ba đội và yêu cầu các đội thực hiện nhiệm vụ trong khoảng thời gian 2 phút.( Sau thời gian thảo luận, cử đại diện lên thi)

+ Đội nào tìm được chữ cái ghép được tiếng trước thì đội đó thắng.

– Qua trò chơi, giáo viên dẫn dắt vào bài: Mỗi chữ mà vừa ghép là Chữ quốc ngữ, Vậy chữ quốc ngữ dung để làm gì? Nó hình thành vào thế kỉ nào thì hôm nay chúng ta sẽ khám phá bài Chữ Quốc Ngữ.

III. KẾT QUẢ CHUYÊN ĐỀ.

Tôi áp dụng biện pháp: “Một số biện pháp tạo hứng thú học môn Ngữ văn 9 cho học sinh thông qua hoạt động khởi động” trong 8 tuần đầu năm học 2024 – 2025. Sau khi áp dụng, tôi nhận thấy các em đã hứng thú hơn với môn Ngữ văn, nhiều em đã yêu thích môn học, chăm học hơn. Các em được lôi cuốn vào bài học một cách tự nhiên mà không hề hay biết. Đồng thời, các hình thức khởi động bài học như trên cũng góp phần vào việc phát triển năng lực, phẩm chất học sinh: Năng lực tư duy sáng tạo, năng lực thuyết trình, năng lực phản xạ nhanh… Chất lượng môn học cũng vì thể được nâng lên rõ rệt.

Có thể nói hoạt động khởi động có vai trò rất quan trọng trong việc giúp học sinh tiếp nhận bài học một cách hứng thú, say mê. Đó là một khâu nhỏ, không nằm trong trọng tâm bài học nhưng lại ở vào vị trí đầu bài, có tác dụng đặt nền móng và gắn kết với các phần còn lại mà người dạy không thể bỏ qua. Nhưng để hoạt động này có ý nghĩa thì giáo viên cần linh hoạt, nhạy bén trong cách tổ chức và thực hiện. Việc đa dạng hóa hoạt động khởi động là cần thiết để tạo nên sự hứng khởi trong tâm lí học sinh. Tuy nhiên, cũng không nên vì thế mà quá chú trọng, dành nhiều thời gian cho nó để biến giờ học thành giờ chơi. Ngoài việc chú ý đến hoạt động khởi động, giáo viên cũng cần quan tâm đến các hoạt động khác trong toàn tiết dạy, ngoài việc nâng cao chất lượng bài giảng, người thầy còn cần chú ý đến những biện pháp khác về mọi vấn đề liên quan đến hoạt động học tập của học sinh, có như thế mới có thể nâng cao được chất lượng bộ môn.

Trên đây là “Một số biện pháp tạo hứng thú học môn Ngữ văn 9 cho học sinh thông qua hoạt động khởi động”. Những kinh nghiệm của bản thân tôi thông qua quá trình tự nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm qua thực tế giảng dạy,tôi đưa ra các biện pháp áp dụng trên phạm vi khối 9 của trường đơn vị tôi công tác. Bản thân tôi đã thực hiện và mang lại hiệu quả nhất định.

Do thời gian có hạn nên tôi chỉ trình bày tóm tắt những giải pháp mà tôn đã áp dụng trong thực tế, chắc còn nhiều giải pháp tốt hơn mà tôi chưa áp dụng. Tôi rất mong nhận được ý kiến bổ sung, đóng góp của các thành viên trong tổ chuyên môn để tôi áp dụng hoàn chỉnh và ngày càng nhân rộng ra các khối lớp khác.

                                                    Tân Hội, ngày 05 tháng 11 năm 2024

Người viết

 

 

 

Nguyễn Thị Ngọc